Chùa Vĩnh Nghiêm là một "đại danh lam cổ tự", mang một vị trí đặc biệt trong lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần; là chốn tổ cho cả nước, nơi phát tích và thờ phụng Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Pháp Loa (1284 - 1330) và Huyền Quang (1254 - 1334), là những nhà chân tu đã có công khai sáng một dòng thiền Việt - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Chùa Vĩnh Nghiêm có tên Nôm là chùa Đức La nằm ở thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang do tam tổ Trúc Lâm xây dựng thành thiền viện, chốn tùng lâm đào luyện tăng đồ từ cuối thế kỉ XIII và đến nay vẫn giữ vai trò là chốn tổ.
Chùa tọa lạc ở ngã ba sông Lục Nam và sông Thương - còn gọi là ngã ba Phượng Nhãn (ngã ba mắt Phượng). Người xưa mô tả trong Bia trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm, khắc năm 1606 rằng: “Chùa Vĩnh Nghiêm là một thắng cảnh cổ. Trước mặt bên trái thì có Xương Giang, Nguyệt Giang, Đức Giang. Đức Giang chẽ nhánh hội vào Lục Đầu Giang mênh mang uốn khúc đưa thuyền từ bi cứu vớt chúng sinh. Đằng sau mé phải thì có Lạng Sơn, Phượng Sơn. Hình Sơn, Quả Sơn chập trùng muôn lớp quanh co ôm ấp sánh với cảnh Phật Bổ Đà... phong cảnh nơi đây thực là kỳ diệu. Thực là một danh lam đứng đầu thiên hạ".
Theo nguồn tư liệu Hán - Nôm hiện lưu giữ tại đây cho biết, chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính và tĩnh lặng được mở mang xây dựng trên nền móng của ngôi chùa nhỏ có từ thời Lý (thế kỉ XI - XIII) mang tên chùa Chúc Thánh. Đến thời Trần, Phật hoàng Trần Nhân Tông cho mở mang xây dựng, đổi là chùa Vĩnh Nghiêm (với ý nghĩa là nơi mãi mãi tôn nghiêm).
Tháng 4 năm 1308, Trần Nhân Tông đích thân tới chùa Vĩnh Nghiêm chủ trì giảng Truyền Đăng Lục, sai quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho chư tăng kiết hạ tại đây và thống nhất Giáo hội Phật giáo thời Trần. Sách Tam Tổ Thực Lục cho biết: Ngày mồng Một tháng Giêng, năm Mậu Thân (năm 1308) Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sai sư Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng pháp tại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại. Tháng tư, Điều Ngự đến kiết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, giảng Truyền Đăng Lục, lại sai Pháp Loa giữ chức trụ trì, bảo Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp hoa cho đại chúng.
Tháng 9 năm 1313, Pháp Loa phụng chiếu đến trì trú tại chùa Vĩnh Nghiêm, giữ vai trò đứng ra thành lập Trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Đại Việt để phát triển nền đạo nước nhà. GS Ngô Đức Thọ cho rằng: "Từ khi Pháp Loa tôn giả đến trụ trì, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm Phật giáo có danh tiếng của giáo hội Trúc Lâm".
Trúc Lâm đệ nhị Tổ Pháp Loa đã biến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm thành trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng ni cả nước. Từ thời điểm này chùa Vĩnh Nghiêm lại có thêm một vai trò nữa, đó là nơi quy tụ những vị cao tăng trong chốn thiền môn, điều hành bộ máy hoạt động của Giáo hội đối với tăng ni và phật tử. Trong thời gian trụ trì tại chùa Vĩnh Nghiêm, Pháp Loa đã cho xây dựng quy chế chức vị sư tăng, tổ chức việc san khắc, in ấn các kinh sách Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm hiện còn lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Mộc bản là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ, từ đó để in ra thành các cuốn sách. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ góc độ mĩ thuật truyền thống như một tác phẩm mĩ thuật đồ họa khắc gỗ độc lập, chứ không chỉ là một bản san khắc chữ khô khan theo cách thức thủ công khi phương tiện khoa học kĩ thuật thời bấy giờ chưa phát triển làm phương tiện để truyền bá Phật pháp bằng văn bản tới nhiều người.
Nhận diện từ góc độ mĩ thuật tạo hình, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm phân chia thành ba dạng bản khắc chủ yếu. Dạng thứ nhất gồm những bản khắc Kinh Luật, có khung viền biên quanh lề trang sách. Dạng biểu hiện này có vẻ đẹp thẩm mĩ thông qua kiểu chữ, bố cục khi mau, lúc thưa tạo khoảng nghỉ mắt trong một bố cục chật chội, vẻ đẹp của nét chữ qua bàn tay khắc tài hoa tinh tế của nghệ nhân là ngôn ngữ nghệ thuật đồ họa khắc gỗ.
Dạng thứ hai gồm những bản khắc có phần chữ xen họa đồ, trên cùng một bề mặt gồm cả phần chữ xen thêm những bức họa đồ minh họa hình người. Nghệ thuật đồ họa tạo hình đóng vai trò chủ đạo. Lối bố cục chặt chẽ, hài hòa giữa chữ và hình với sự tài khéo thể hiện tinh thần trên nét mặt thanh thoát, nhẹ nhàng, chứa đựng tính triết lí cao thâm. Mỗi mộc bản là một bức đồ họa độc lập có đủ các yếu tố về nghệ thuật của tác phẩm khắc gỗ dân gian.
Dạng thứ ba gồm những bản khắc "Lục thù", "bùa chú" dùng trong ma chay và những nghi lễ tôn giáo. Thể hiện trên bản khắc hình chữ Hán, chữ Phạn đan xem hình bát quái âm dương, hình người kì dị... tựa như một tác phẩm hội họa siêu thực. Có sự khác biệt ở nghệ thuật khắc ở dạng thứ ba với hai dạng khắc chữ ở trên: Hình họa tiết, hình chữ, hình người được khắc âm, hình nền là dương. Khi in những phần khắc âm hiện màu của giấy, còn phần dương là những phần bỏ trống không có hình là màu của mực in.
Nội dung các tài liệu mộc bản chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật kí của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng.
Khối tài liệu mộc bản này có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc bản và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, một số tài liệu mộc bản giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chi tiết rõ ràng. Hiện nay, phòng mạch của nhà chùa vẫn kế thừa các bài thuốc này để chữa các bệnh về thần kinh, đau xương khớp và các bệnh về tiêu hóa.
Các sư tổ trong chùa đã huy động hàng trăm Phật tử từ các nơi về để hỗ trợ việc đốn cây, xẻ gỗ và kêu gọi các thợ giỏi trong vùng ngày đêm đục đẽo làm các tấm mộc bản. Để có được các tấm mộc bản, các sư tổ trong chùa đã thực hiện một quy trình chế biến gỗ rất nghiêm ngặt. Gỗ lọc từ thân cây thị, xẻ ra thành các kích cỡ khác nhau, không đem khắc ngay mà phải cho vào nồi đun lên bằng cỏ khô trong vòng một đêm, sáng hôm sau mới dỡ ra để khắc chữ.
Các tấm gỗ sẽ không bị cong vênh, nứt mà tạo được độ dẻo dai cho thân ván. Bên cạnh đó, các tấm Mộc bản đều có màu đen bóng do được quét lên một lớp mực đen. Lớp mực này thấm sâu vào ruột gỗ, có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt. Do đó, dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng hầu như các tấm mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn không bị cong vênh, mối mọt, nét chữ tinh xảo.
Đại Việt sử kí toàn thư chép, năm 1295 vua Trần Anh Tông (con của vua Trần Nhân Tông) cử sứ thần sang nhà Nguyên thỉnh một ấn bản Đại Tạng Kinh mới hoàn thành năm 1294. Khi đưa về, ấn bản chính được lưu giữ ở phủ Thiên Trường (Nam Định), còn bản sao lưu tại chùa Vĩnh Nghiêm để in ấn, lưu hành nơi các chốn tổ đình chính. Sách Tam Tổ Thực Lục cho biết, năm 1308 bởi có tang lễ Phật hoàng, việc ấy kiêng lệ đến năm 1311 thì vua Trần Anh Tông ban chiếu tiếp tục ấn bản Đại Tạng Kinh.
Cần phải nói thêm tinh thần hoằng công đạo pháp Trúc Lâm thể hiện sự đồng lòng, nhiệt tình hiến tâm, sức và có cả hiến máu cho việc làm mực in kinh, cụ thể có hàng vạn tu sĩ đã hiến máu làm mực in bộ Đại Tạng Kinh. Tháng Chạp năm Kỷ Mùi (1319), đã in được trên 5.000 bản để an trí tại chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều, Vĩnh Nghiêm và Báo Ân ở Gia Lâm. Như vậy, việc khắc bản đã hoàn thành sau 24 năm, kể cả ba năm công việc bị gián đoạn, đã để lại một kho tàng di sản quý báu cho dân tộc Việt.
Nguồn: laodong.vn
Xem thêm: Vẻ đẹp tráng lệ của vườn quốc gia Yosemite – kỳ quan của nước Mỹ
Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm 10 huyện, thị, thành phố (U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Hà Tiên, Phú Quốc và Kiên Hải) với không gian rộng, kết nối các vùng là Vườn Quốc gia U Minh Thượng; Phú Quốc, khu bảo tồn biển Phú Quốc; khu rừng bảo vệ cảnh quan Hòn Chông - Kiên Lương và đai rừng ngập mặn ven biển Tây. Trong đó có ba vùng lõi là VQG U Minh Thượng, VQG Phú Quốc và Khu rừng bảo vệ cảnh quan Hòn Chông - Kiên Lương.
Eo Gió Nhơn Lý là một địa danh đầy nắng và gió với cảnh quan hoang sơ và kì vĩ tiêu biểu cho vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất Quy Nhơn. Eo Gió – Nhơn Lý độc đáo từ tên địa danh cho tới vẻ đẹp lãng mạn mà nên thơ, chắc chắn sẽ làm “xiêu lòng” bất cứ du khách nào từng một lần ghé thăm.
Chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nằm trong số 14 “kim ngọc, bảo tỷ” (ấn vàng, ấn ngọc) mà Hoàng đế Minh Mạng đã cho chế tác vào thời ông trị vì (1820-1841). Trong đó, 13 chiếc vẫn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Chiếc duy nhất còn lại chính là ấn “Hoàng đế chi bảo” có số phận gian truân, nhưng cuối cùng cũng được hồi hương về cố quốc mới đây, tạo ra được một bộ sưu tập ấn thời Minh Mạng hoàn mỹ, toàn vẹn.