Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Điện Huệ Nam và sự giao lưu Văn hóa Chăm - Việt, Tạp chí Di sản Văn hóa số 3 (năm 2003)

28/07/2023675

Trong các di tích tín ngưỡng và tôn giáo ở Huế, điện Huệ Nam (dân gian quen gọi là điện Hòn Chén) là nơi hội tụ nét riêng của vùng Huế, cũng là nơi hội tụ của hai nền văn hóa Chăm-Việt, thể hiện cả trong hệ thống thần linh được thờ tại đây và trong lịch sử hình thành, phát triển của bản thân di tích này.  Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam đã phổ biến, từ rất lâu, trải dài trên một vùng lãnh thổ từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên, các sắc thái tín ngưỡng và nghi thức thờ cúng cũng biến thiên theo từng vùng đất, mỗi nơi mỗi khác. 

Ở Huế, không ai xác định được ngôi điện này có từ ngày tháng năm nào, chỉ biết rằng từ năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu đã dùng nơi đây làm nơi giam giữ một vị vua người Chăm tên là Bà Tranh (1). Cũng có tư liệu còn nói rõ hơn là trước đây vốn là một ngôi đền của người kia, đẩy Chăm thờ bà Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và thần Thủy Long (2). Thực ra, nếu coi đây là địa điểm của một ngôi đền/tháp của người Chăm dựa trên tư liệu nói trên và đối chiếu địa hình với các yếu tố cổ điển như núi thiêng, sông thiêng (3) của các di tích đền tháp phổ biến khác của người Chăm thì điện Hòn Chén với một diện tích nhỏ hẹp xấp xỉ khoảng 1000m2 trên địa hình lưng chừng núi Ngọc Trản hạn không phải là một kiến trúc bề thế của người Chăm. So sánh với các cụm di tích phế tích Chăm khác ở Huế và vùng phụ cận, như phế tích Nham Biều hay tháp Linh Thái đều có những điểm giống nhau là: gần sông/biển, nằm trên núi và đều có thờ tượng, như tượng nam thần (Siva? ở Nham Biều) hoặc ngẫu tượng linga (tháp Linh Thái). Có hay không một cấu trúc đền - tháp/ tháp, hoặc đã từng có một bức tượng hoặc/ một ngẫu tượng thờ ở di tích này, như ở các phế tích khác của người Chăm? Để đi tìm một chứng cứ xác thực cho nhận định này, có lẽ phải cần đến những kết quả khai quật khảo cổ học. Chúng ta chỉ xác nhận một điều trên thực tế là tại điện Huệ Nam, đã và đang thờ bà Thiên Y A Na, một nữ thần của tín ngưỡng văn hóa Chăm, được chính triều đình Nguyễn phong tặng tước hiệu cao quý “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần” với nhiều mỹ từ ca ngợi sự linh ứng của bà, được khẳng định nhiều lần, trải từ Gia Long cho đến Bảo Đại. Bà cũng được coi là hiện thân của Mẫu Thiên trong đạo Mẫu của người Việt, được một trong những vị vua của triều Nguyễn-vua Đồng Khánh (1886-1888)-tự nguyện đứng vào hàng ngũ đệ tử của Mẫu, chính thức quy định ngày tế lễ dưới sự chủ trì tổ chức của đại diện triều đình, mỗi năm hai lần vào mùa xuân, mùa thu làm lễ cúng, có đại diện triều đình chủ lễ để nhớ ơn nữ thần (4). 

Vị trí thờ Mẫu ở điện Huệ Nam cũng cho thấy tầm quan trọng và vị thế của các Mẫu, trong đó có Thiên Y A Na là cao hơn hẳn Ngọc Hoàng Thượng đế. Điện Huệ Nam, vị trí thờ ở nội điện cũng được chia thành Tam cung, hay nói cách khác, là ba cấp bậc thờ cúng từ cao đến thấp. Phần trên cùng cao nhất cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là Minh Kính Cao đài đệ nhất cung, trong thực tế cũng là nơi tôn nghiêm nhất, cách biệt với những phần còn lại bằng hệ thống bậc cấp đi lên tầng gác áp mái ngăn cách và bảo vệ bằng một hệ thống cửa, gian giữa có 6 cánh, giãn bên 4 cánh. Chính giữa cung là khám thờ tượng Thánh Mẫu Thiên Y A Na, trước khám mỗi bên đều có tương các cô chầu Mẫu. Bàn thờ bên trái thờ Mẫu Thượng Ngàn, bên phải thờ Mẫu Thoải. 

Tại điện Huệ Nam, Vân Hương Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ ở phía trước khám, chỉ có 3 bài vị chứ không có tượng, vị trí thấp hơn khám thờ của nữ thần Thiên Y A Na. Thực ra, ở điện Huệ Nam, Vân Hương Thánh Mẫu cũng chỉ mới được đưa vào thờ sau năm 1954. Điều này lý giải vì sao trong số các bức sắc phong của triều đình Nguyễn hiện đang lưu giữ tại điện Huệ Nam lại không có sắc phong nào dành cho Vân Hương Thánh Mẫu cả. Với vai trò Ngọc Trản sơn từ thượng đẳng thần, có giai đoạn cũng từng là “người ban ân huệ cho nước Nam”, nữ thần Thiên Y A Na đã đóng vai trò chủ đạo và có vị trí tối cao trong toàn bộ hệ thống thần linh được thờ ở điện Huệ Nam. 

Ngoài ra, cũng ở Đệ nhất cung của Minh Kính Đài còn có bàn thờ Ngũ vị Thánh Bà, Nhị vị Tôn Ông, bàn thờ Thất thánh (tại ban thờ Thất thánh có thể hiện hình ảnh vua Đồng Khánh mặc áo màu vàng, tay cầm bông sen, tự xếp mình là đệ tử thứ bảy của Mẫu). 

Một điều khá lý thú ở cách đặt vị trí thờ tự tại điện Huệ Nam là sự khéo léo trong cách sắp xếp bàn thờ Ngọc Hoàng. Bàn thờ này đặt ở gian giữa của điện Huệ Nam, vị trí trang trọng nhất. Đó là bàn thờ Cửu trùng đài, gồm có bệ xi măng xây 9 bậc (cửu trùng) tượng trưng cho 9 tầng trời (cửu thiên), vẽ rồng mây và hoa lá,. trên đặt một chiếc ngai. Phía trước, ở vị trí thấp dần là hương án đặt các vật phẩm thờ cúng. Nếu nói về vị trí trang trọng nhất của một ngôi điện thì đó chính là gian giữa, phía trong của ngôi điện, gọi là phần chính điện. Tuy nhiên, ở điện Huệ Nam, vị trí chính giữa này vẫn chỉ được gọi là Đệ Nhị Cung mà thôi! Tuy rằng nơi thờ Mẫu nằm phía sau bàn thờ Ngọc Hoàng, nhưng lại là trên. Muốn vào thắp hương ở bàn thờ Mẫu phải đi vòng sau lưng bàn thờ Ngọc Hoàng, nhưng lại lên cao hơn, và ở đó được gọi là Đệ Nhất Cung của Minh Kính Đài! Như vậy, xem ra trong một xã hội thấm nhuần tư tưởng Nho giáo như triều Nguyễn, triều đại phân biệt rạch ròi các quy tắc “nam tả nữ hữu”, trọng nam khinh nữ, lại tồn tại một nơi có vị trí của các Bà lại cao hơn Ông, về thực chất cũng quan trọng hơn Ông (4a). Thiên Y A Na, vị nữ thần Xứ Sở của người Chăm cũng đã trở thành "người bảo hộ cho đất nước” (5) của người Việt, chiếm vị trí chính ở điện Huệ Nam trong suốt nhiều thế kỷ. 

Trong tín ngưỡng Chăm, nữ thần Thiên YA Na được coi là bà Mẹ Xứ Sở, còn gọi là nữ thần Poh Nagar, một hóa thân của vợ thần Siva, tên là Saravati, hay còn có tên là Uma, sinh ra từ mây và bọt biển. Nữ thần sáng tạo nên qua đất, cây trầm hương và lúa gạo, đem lại sự dồi dào sung túc và thuận lợi cho mùa màng của con người. Bà được nhân dân Chăm rất mực tôn kính, dựng tháp, tạc tượng để phụng thờ, tiêu biểu là tượng thờ và tháp Poh Nagar ở Nha Trang. Truyền thuyết về bà được ghi rất rõ trong bi ký tại tháp Poh Nagar (tháp Bà) Nha Trang do Phan Thanh Giản viết năm 1856. Mặc dù truyền thuyết của nữ thần có rất nhiều di bản, nhưng đều có những chi tiết tương đồng thể hiện ở sự xuất hiện kỳ bí, nguồn gốc thần tiên, có phép biến hóa màu nhiệm và nhiều duyên nợ với trần gian. Trong xã hội thời phong kiến luôn đề cao vai trò của nam giới, hình ảnh người phụ nữ như bà Thiên Y A Na cũng được chấp nhận và đề cao, đã chứng tỏ sức sống của tín ngưỡng và văn hoá Chăm ở vùng Huế. 

Ngoài điện Huệ Nam, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế còn có chùa Ưu Điểm, đền thờ bà Giàng (Phong Hòa, Phong Điền) hoặc nhiều phế tích khác còn lưu giữ dấu ấn của việc thờ nữ thần Thiên Y A Na dưới nhiều danh xưng dân dã khác, xa hơn nữa về phía nam có đền Tam Thanh (Đà Nẵng), Tháp Nhạn (Phú Yên), tháp Cù Lao Sơn, đền Quá Quan, đền Thiên Ý Tiên Nữ (Khánh Hòa), đền Thiên Y (Bình Thuận), v..v..cũng thờ bà Thiên Y A Na. 

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa Chăm - Việt, yếu tố lễ hội - lễ nghi trong hoạt động tín ngưỡng của người Chăm lại hầu như không gây tác động đến truyền thống của người Việt. Lễ hội Thiên Y A Na của người Chăm hoàn toàn không giống với lễ hội ở điện Huệ Nam. Theo tục lệ của người Chăm, lễ hội này (còn gọi là lễ hội Rija Nưga được tổ chức vào ngày lẻ (1,3,5...) thứ 5 và thứ 6 của tuần đầu tháng Giêng lịch Chăm, với những lễ vật bao gồm gà (ngày thứ hai thay gà bằng dê), trứng vịt, cơm, canh, xôi, chuối, trầu, rượu...Cùng với các điệu nhạc lễ và nghi thức múa hát, người ta nặn những hình người và thú bằng bột gạo sống để thả trôi sông cùng với một số lễ vật bánh trái khác vào cuối buổi lễ để làm “người đưa tin” (như ông Táo trong văn hóa Việt), báo với nữ thần tình hình cuộc sống của họ và cầu xin những điều tốt lành (6). 

Hoàn toàn khác với những nghi thức của lễ hội Thiên Y A Na của người Chăm, lễ hội điện Huệ Nam, cũng là một hình thức của lễ hội gắn với Thiên Y A Na, lại mang đậm màu sắc địa phương và văn hóa Việt. Vua Đồng Khánh lệnh mỗi năm hai lần tế lễ vào mùa xuân và mùa thu, có đại diện của triều đình làm chủ lễ (7). Hiện nay, lễ hội điện Hòn Chén vẫn được duy trì vào tháng 3 và tháng 7 ÂL hàng năm. Lễ vật bao gồm hương hoa quả phẩm, xôi thịt và đối khi cả những đồ tự khí hoặc nghi cụ, trang phục...Lễ hội được tổ chức trong ba ngày với các cuộc lễ nghinh thần, cáo yết (Túc yết), chánh tế, tổng thần... Trong trình tự đó còn có các lễ phóng sanh, phóng đăng, lễ rước giá đồng hay nhập đồng. Một trong những nghi lễ không thể thiếu trong thời gian tổ chức lễ tế ở điện Huệ Nam là nghi lễ lên đồng, trong đó có đàn hát chầu văn. 

Lễ tế Thánh Mẫu Thiên Y A Na cũng là lễ tế Thành Hoàng làng Hải Cát với tư cách là một vị thần đỡ đầu cho làng. Vì thế, lễ tế ở điện Huệ Nam còn có lễ cung nghinh Mẫu từ điện về ngự ở đình làng và lễ rước Mẫu trở về điện trên những chiếc đò nhỏ kết lại với nhau, trang trí cờ hoa rực rỡ, tín đồ đông đảo là dân ở Huế và các tỉnh khác xếp theo đội hình với nghi thức hết sức trang trọng. Người ta náo nức chờ đón và tham gia vào các cuộc lễ, cầu mong Mẫu ban cho những điều tốt lành, may mắn. 

Có thể thời các Chúa, rồi đến các vua đầu triều Nguyễn, việc tiếp tục cho phép nhân dân thờ cúng Thiên Y A Na tại điện Huệ Nam (Hòn Chén) lúc đầu chỉ là một thủ thuật, an dân ở vùng Thuận Hóa nơi còn mang đậm ảnh hưởng của văn hóa Chăm và vẫn còn lưu giữ các nếp sống, tục lệ của người Chăm. Theo dòng thời gian và theo bước chân của những người đi mở nước về phía Nam thời các chúa Nguyễn, tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc đã lan tràn, xâm nhập và đồng nhất với tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na của người Chăm. Ở vùng Huế, sự giao lưu văn hóa ấy phần nào đã tạo dấu ấn trong các phong tục, tập quán của người địa phương, hình thành nên một khía cạnh về bản sắc Huế. Với vị trí của mình ở điện Huệ Nam, nữ thần Thiên Y A Na và lễ hội điện Huệ Nam là kết tinh của mối giao lưu ấy. Huế, tháng 6 năm 2003 

HUỲNH THỊ ANH VÂN *

Chú thích

*Phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm BTDT CĐ Huế 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục tiền biên, quyển V, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1962, tr. 147. 

(2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1969, tr. 147 

(3) Trần Kỳ Phương, Shigeeda Yutaka, Phế tích Chămpa-khảo luận về kiến trúc đền-tháp, T/c Nghiên cứu và Phát triển số 12/2003. 

(4) Nguyễn Đình Hòe: Huệ Nam điện, Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H . 1915), Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 345. 

(5) “hộ quốc tý dân”-trích lời sắc phong dưới các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ...cho đến triều Thành Thái, Đồng Khánh. Những sắc phong này hiện vẫn đang được lưu giữ tại điện Huệ Nam. 

(6) Dẫn theo Nguyễn Minh San: Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 1998, tr.255. (7) Nguyễn Đình Hòe, Điện Huệ Nam, BAVH 1915, NXB Thuận Hóa, Huế 1997, tr. 345. 

TIN:

MỞ KHÓA ĐÀO TẠO NGẮN NGÀY

VỀ QUY TRÌNH THIẾT KẾ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN BẢO TỒN TRÙNG TU DI TÍCH Ở VIỆT NAM 

Từ ngày 14 - 7 đến ngày 22 - 7 - 2003, tại thành phố Huế, Cục Bảo tồn Bảo tàng phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lớp học Quy trình thiết kế và thực hiện dự án bảo tồn trùng tu di tích ở Việt nam. 91 học viên là các cử nhân xây dựng, kiến trúc sư và các cán bộ quản lý di tích ở một số tỉnh thành phố trên cả nước đã tham dự khóa học. 

Lớp học đã được nghe các giáo sư đến từ 9 nước trên thế giới và lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, trước đây là Cục Bảo tồn Bảo tàng, trình bày nhiều chuyên đề như: Các Hiến chương quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa; Luật Di sản văn hóa của Việt Nam; Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, còn có các bài giảng về quy trình trùng tu di tích do giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trình bày. Trong khóa học, các học viên còn được tham gia các buổi ngoại khóa tập cung An Định; trực tiếp thực hiện bài tập trùng tu di tích tại Cung Trường Sanh - Đại Nội Huế và tham gia trao đổi, thảo luận trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài về các quan điểm trùng tu di tích. 

Đây là khóa học thứ ba về nội dung bảo tồn và trùng tu di tích do Cục Di sản Văn hóa và trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp tổ chức trong các năm 2001, 2002 và 2003. So với hai khóa học trước, năm nay số học viên tham dự đồng hơn và nội dung giảng dạy cũng đã được cải tiến, thiết thực hơn, thể hiện rõ sự gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn công tác tu bổ di tích. 

Kết thúc khóa học, tất cả 91 học viên được nhận Giấy chứng chỉ và được coi như hoàn thành một chuyên đề sau đại học. 

Trần Đình Thành

Xem thêm: Từ cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng nghĩ đến tư tưởng Thống Nhất, tự chủ về Văn hóa

Các bài viết khác

Xem thêm
Vườn Quốc gia Tongariro - Di sản văn hóa hỗn hợp Thế giới tại New Zealand
Tin tức khác03/01/2024

Vườn Quốc gia Tongariro - Di sản văn hóa hỗn hợp Thế giới tại New Zealand

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Vườn quốc gia Tongariro của New Zealand là Di sản thế giới thuộc danh mục hỗn hợp năm 1990.

Cơ cấu tổ chức trong làng xã việt nam truyền thống
Tin tức khác25/07/2023

Cơ cấu tổ chức trong làng xã việt nam truyền thống

Nhìn lại xuyên suốt tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, không chỉ  mấy ngàn năm vừa qua mà còn cả trong tương lai lâu dài mãi mãi về sau của nước nhà, làng của người Việt luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là biểu hiện cho sức sống của đất nước.

Những thị trấn kỳ lạ nhỏ nhất thế giới mà bạn chưa biết đến sự tồn tại của chúng
Tin tức khác10/05/2024

Những thị trấn kỳ lạ nhỏ nhất thế giới mà bạn chưa biết đến sự tồn tại của chúng

Những điểm đến này rất kỳ lạ nhưng lại đẹp đến mức bạn cần phải ghé thăm ít nhất một lần bất cứ khi nào có cơ hội.