Đối với Việt Nam, các công trình nghiên cứu của Viện đóng vai trò quan trọng, cung cấp các chứng cứ và thông tin liên quan đến lịch sử hình thành các nền văn hóa - văn minh Việt Nam cũng như đã xây dựng được một kho tư liệu, cổ vật, tranh ảnh đồ sộ về các thời kỳ lịch sử của các dân tộc trên khắp vùng miền đất nước Việt Nam. Bài viết này giới thiệu khái quát về quá trình ra đời, mục đích của Pháp khi thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ, hay chức năng - nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và một số hoạt động của Viện.
1. Quá trình ra đời của Viện Viễn Đông Bác Cổ và mục đích của thực dân Pháp khi thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ
Người Pháp có mối quan tâm, tìm hiểu về phương Đông từ khá sớm. Ngay từ thế kỷ XVI, XVII, các nhà truyền giáo đã đặt chân lên vùng đất này. Thế kỷ XVIII, Napoléon Bonaparte trong cuộc viễn chinh Ai Cập đã không quên mang theo một phái đoàn khoa học để nghiên cứu, ghi chép về các vùng đất mới. Giữa thế kỷ XIX, để xúc tiến công cuộc xâm lược Việt Nam và mở rộng ảnh hưởng ở vùng Viễn Đông, các nhà cầm quyền Pháp đã đặt lên vai đội ngũ các nhà khoa học Pháp một trọng trách là phải quan tâm và nghiên cứu về xứ sở này. Khó khăn của người Pháp lúc này là số lượng các nhà khoa học hiểu biết về Việt Nam còn ít và những hiểu biết của họ còn hạn hẹp khi đứng trước một đất nước có nền văn minh hàng ngàn năm trong lịch sử. Mặt khác, trước năm 1898, đội ngũ các nhà "Việt Nam học" của Pháp lại bao gồm nhiều thành phần khác nhau: Sĩ quan hàng hải, nhà binh, nhà truyền giáo và cả một số quan chức dân sự của Nhà nước thuộc địa... Họ có thể thông thạo tiếng Việt hay có đầu óc uyên bác nhưng họ chỉ là những "nhà bác học lâm thời" khi phải thực thi nhiệm vụ nghiên cứu về một lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình (1). Hạn chế này đưa tới một hệ quả tất yếu là những hiểu biết của người Pháp về Việt Nam là chưa đầy đủ, không đáp ứng được những đòi hỏi mà giới cầm quyền Pháp đặt ra. Sự hiểu biết thiếu đầy đủ đó khiến thực dân Pháp không thể đưa ra một chính sách cai trị, bóc lột hiệu quả ở thuộc địa. Vì thế, đối với giới cầm quyền Pháp lúc này là cần thiết phải lập ra các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra một đội ngũ các nhà bác học chuyên nghiệp và triển khai các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử - văn hoá và những điểm chủ chốt của Nhà nước Việt Nam, phục vụ cho công cuộc thống trị của thực dân Pháp. Đó là xét trên phương diện các nhà cầm quyền Pháp.
Xét trên phương diện các nhà khoa học Pháp, một thực tế thú vị là, càng tiếp xúc và nghiên cứu về Việt Nam khiến các học giả Pháp càng bị lôi cuốn trước nền văn hóa - văn minh đầy sức thuyết phục của người Việt. Năm 1890, trong sách Hồi ký An Nam, Baille đã viết rằng: "Văn minh Đông phương lâu đời hàng nghìn năm, có một nền pháp chế, nghệ thuật văn hóa, những anh hùng và con người dũng cảm, đã trở thành những quốc gia có một nền chính trị, tổ chức chính quyền hoàn chỉnh để người Pháp chúng ta khi tiếp xúc cần phải cẩn trọng và tôn kính" (2).
Những phát hiện, nghiên cứu có giá trị của các học giả Pháp khiến họ nhận thấy rằng: Người Việt Nam đang sở hữu nền văn minh đặc sắc nhưng thời gian và sự tàn phá của thiên tai cũng như việc chưa ý thức về giữ gìn giá trị văn hóa của người dân bản xứ đang làm cho những di sản đó đứng trước nguy cơ bị mai một. Năm 1897, sau nhiều phát hiện về các kiến trúc tháp ở Bình Định, Charles Lemire là người đầu tiên dễ xướng việc thành lập một cơ quan nghiên cứu và bảo quản những di tích lịch sử của Đông Dương. Tại hội nghị Đông phương học họp ở Paris, dự án của Charles Lemire và Pierre Lefèvre Pontalis đã được thông qua và để lên Bộ Giáo dục để thông báo cho toàn quyền Đông Dương thi hành.
Năm 1898, toàn quyền Đông Dương P.Doumer dã thành lập phái đoàn khảo cổ học thường trực tại Đông Dương. Đến tháng 1-1900, tổ chức này được đổi tên thành Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (còn gọi Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp), có trụ sở tại Sài Gòn. Sau đó không lâu, tháng 12- 1901, Viện chuyển trụ sở ra Hà Nội. Trụ sở đặt tại ba ngôi nhà nhỏ ở phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) và ở số 3 phố Thợ Nhuộm. Viện còn được dành riêng cho một ngôi nhà làm nơi triển lãm về bảo tàng học ở khu Đấu Xảo - Hà Nội. Tất nhiên, trước yêu cầu của giới cầm quyền Pháp lúc bấy giờ, việc thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp của toàn quyền P.Doumer cung không nằm ngoài mục đích "khai hóa văn minh" và "tìm hiểu rõ hơn để cai trị tốt hơn" ở Việt Nam cũng như Đông Dương.
2. Chức năng - Nhiệm vụ của Viện Viễn Đông Bác Cổ
Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp hay Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp là hai cách. nói của cụm từ tiếng Pháp École Française d'Extrême - Orient (gọi tắt là EFEO). Dù gọi là Trường hay Viện thì cơ quan nghiên cứu khoa học này chỉ có một chức năng duy nhất là nghiên cứu lịch sử văn hóa và các nền văn minh của các dân tộc vùng Viễn Đông, chứ không thực hiện chức năng đào tạo như các trường khác theo tên gọi của nó.
Nhiệm vụ của Viện Viễn Đông Bác Cổ được quy định trong điều 2 - Nghị định về quy chế đối với đoàn khảo cổ học Đông Dương đăng trên Công báo Đông Dương năm 1899:
1. Thăm dò khảo cổ và ngữ văn trên toàn bán đảo Trung - Ân, ưu tiên bằng mọi phương tiện đến các kiến thức lịch sử, các công trình kiến trúc và phương ngữ.
2. Góp phần vào việc nghiên cứu chuyên sâu các vùng và các nền văn minh lân cận: Ấn Độ, Trung Hoa, Malaysia... (3).
Với vai trò là tổ chức chuyên nghiên cứu về châu Á, thu nhận, kiểm kê và phân tích những yếu tố của các nền văn hoá ở lục địa châu Á, Viện Viễn Đông Bác Cổ còn có tham vọng mở rộng tri thức về châu Á vượt ra khỏi nội dung và phương pháp nghiên cứu của các nhà Đông phương học Tây Âu trước đó.
Ngoài những nhiệm vụ cốt yếu đó, Viện Viễn Đông Bác Cổ còn là cơ quan thừa hành một số nhiệm vụ mà chính quyền Pháp giao phó như: Tư vấn khoa học cho nhiều tổ chức chính quyền, văn hoá - Ủy ban danh thắng, Sở du lịch, Hội Địa lý Hà Nội; cắt cử một thành viên tham gia công tác giảng dạy ở các trường học của chính quyền Pháp lập ra: Đại học Đông Dương, Cao đẳng Văn khoa Hà Nội...
3. Cơ cấu tổ chức của Viện Viễn Đông Bác Cổ
Điều 3, 4, 5 trong Nghị định về quy chế đối với đoàn khảo cổ học Đông Dương đăng trên Công báo Đông Dương năm 1899 cũng ghi rõ về cơ cấu tổ chức của Viện Viễn Đông Bác Cổ:
Điều 3
Đoàn có một Giám đốc, do ông Toàn quyền bổ nhiệm theo sự giới thiệu của Viện Nghiên cứu Văn khắc.
Giám đốc được bổ nhiệm trong thời hạn là 6 năm và có thể gia hạn nhiệm vụ của Giám đốc:
1. Chỉ đạo và tham gia giảng dạy, phải có trình độ tiếng Phạn và tiếng Pali và phải biết thực hành khảo cổ, đào tạo những người châu Âu hay bản xứ để họ có được phương pháp làm việc tốt và đủ năng lực cộng tác một cách hữu ích trên các công trình khảo cổ.
2. Lãnh đạo và kiểm tra việc học tập và công việc của những người được trợ cấp sẽ được nêu ra ở điều 4.
Vì mục đích ấy, Giám đốc được quyền lập ra các phòng ban tạo nguồn cần thiết như Thư viện, Bảo tàng; thành lập và chỉ đạo một ấn phẩm trong đó đăng các công trình của Đoàn được đưa lên trực tiếp, tập hợp tất cả những gì có thể và khuyến khích bên ngoài bằng cách cho những lời khuyên, những kinh nghiệm nếu tác giả cần.
Điều 4
Chức vụ phó đoàn phải là những người Pháp được hưởng lương, được sự chỉ định của Viện Nghiên cứu Văn khắc, số lượng có thể thay đổi theo hoàn cảnh và thời cuộc, không được quá 3 người trong mỗi trường hợp thời điểm thay đổi.
Điều 5
Hằng năm, Giám đốc phải gửi báo cáo chi tiết lên ông Toàn quyền Đông Dương về các công việc của Đoàn, các ấn phẩm đang làm và các dự định, hoạt động của các thành viên và nói chung tất cả những gì có liên quan đến kết quả và tiến triển khoa học. Báo cáo này sẽ được viên Toàn quyền thông báo đến Viện nghiên cứu qua Bộ giáo dục. Viện nghiên cứu sẽ trao đổi thông tin với Giám đốc qua đó Viện sẽ xử lý và thông báo những quan điểm hoặc cho ý kiến (4).
Về bộ máy nhân sự, đứng đầu Viện Viễn Đông Bác Cổ là Giám đốc và Phó giám đốc đều là người Pháp. Giám đốc của Viện phải do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm với sự giới thiệu của Viện Nghiên cứu Văn khắc. Phó Giám đốc do Viện Nghiên cứu Văn khắc chỉ định. Thành viên của Viện bao gồm các nhà khoa học Pháp và Việt Nam chuyên sâu về Đông phương học, ngôn ngữ học, di tích, văn hoá, mỹ thuật của Đông Dương... Họ đều phải đáp ứng đòi hỏi nhất định về bằng cấp và trình độ chuyên môn trước khi làm cộng tác viên của Viện. Các nhà khoa học Việt Nam làm việc và nghiên cứu cùng với người Pháp nhằm hai mục đích rõ ràng là tìm kiếm một kiến thức mới, phương pháp nghiên cứu khoa học mới của phương Tây và dựa vào những nghiên cứu khoa học ấy để hiểu biết về di sản văn hoá - lịch sử của dân tộc mình.
Nằm trong hệ thống quản lý hành chính và chuyên môn của Viện Viễn Đông Bác Cổ có các Viện Bảo tàng, Thư viện và Tập san riêng có tên gọi "Tập san Viện Viễn Đông Bác Cổ" (Bullentin de l'École Française d'Extrême Orient - gọi tắt là BEFEO).
Nhằm bảo quản và lưu giữ các hiện vật thu thập được trong quá trình nghiên cứu, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã xây dựng hệ thống các bảo tàng trên cả nước. Ở Hà Nội, bảo tàng Louis Finot được xây dựng quy mô vào năm 1926 và khánh thành năm 1932. Bên cạnh đó, Viện còn xây dựng và quản lý hệ thống các bảo tàng: Bảo tàng Khơme ở Phnôm Pênh (thành lập 1906), Bảo tàng Cổ vật Chăm ở Đà Nẵng (thành lập 1918), Bảo tàng Lào ở Viêng Chăn (thành lập 1925), Bảo tàng Khải Định ở Huế (thành lập 1927), Bảo tàng Sài Gòn (thành lập 1929).
Ngay từ khi Viện Viễn Đông Bác Cổ ra đời, Thư viện riêng của Viện đã được thành lập nhằm tập hợp, sưu tầm mọi tài liệu, kể cả những ấn phẩm và những văn bản chưa được ấn thành, những bản viết tay thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, tranh ảnh, bản đồ cùng các đơn vị báo, tạp chí...
Một ấn phẩm mang tên Tập san Viện Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) được ra mắt thường niên 1 năm 1 số nhằm đăng tải các công trình nghiên cứu của Viện. Mặc dù là một tập san chuyên về Triết học và Khảo cổ học nhưng đã đăng tải rộng rãi nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong các lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn như: Dân tộc học, Sử học, Ngôn ngữ học, Tôn giáo, Nghệ thuật... Đặc biệt tập san còn dành riêng một mục về "thời sự châu Á" với những bài viết liên quan đến các vấn đề chính trị như: Thành công của Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc, hay những cuộc đình công lớn, những tin tức hoạt động của các đảng phái ở Ấn Độ... Tuy nhiên, những thông tin như vậy chỉ ít lâu sau đó đã bị chính quyền thực dân kiểm soát và hạn chế.
4. Hoạt động của Viện Viễn Đông Bác Cổ giai đoạn 1900 - 1957
Ngay sau khi thành lập, Viện đã triển khai hoạt động sôi nổi trên các mặt: công tác nghiên cứu khoa học; Công tác điều tra, sưu tầm và lưu giữ nguồn tư liệu, hiện vật; Công tác bảo quản và trùng tu các di tích lịch sử.
Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực hoạt động thu được nhiều thành tựu nhất của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Qua hơn 50 năm, Viện đã triển khai nghiên cứu trên hầu khắp các lĩnh vực của khoa học xã hội - nhân văn: Khảo cổ học, Dân tộc học, Sử học, Ngôn ngữ học, Tôn giáo, Văn học, Địa lý, Nghệ thuật. Với nội dung tập trung tìm hiểu lịch sử và những yếu tố văn hoá chủ chốt của dân tộc Việt Nam thông qua phương pháp nghiên cứu hiệu quả, đa dạng: Thực địa, điền dã trên khắp các vùng miền xa xôi của Việt Nam kết hợp với ghi chép, khai quật, giám định, điều tra... Kết quả của những hoạt động nghiên cứu khoa học bền bỉ là sự ra đời của những công trình khoa học giá trị dược công bố trên tập san, các tạp chí hay là những cuốn sách lớn. Trong số đó, nghiên cứu về Việt Nam nhanh chóng chiếm một phần quan trọng như là một ưu tiên (chiếm 1/4 tổng số các công trình). Bức tranh quá khứ của dân tộc Việt Nam được khắc họa trên nhiều khía cạnh: các nền văn hoá khảo cổ, vấn đề nguồn gốc, quá trình dựng nước; Các đặc điểm về ngôn ngữ, tín ngưỡng dân gian; những phong tục, tập quán và những nét văn hoá cổ truyền đặc sắc của làng xã nông thôn Việt Nam... tất cả đều được tiếp cận và khám phá một cách mới mẻ, độc đáo. Những khái niệm quan trọng đối với lịch sử văn minh Việt Nam như: Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Bắc Sơn, Văn hoá Đông Sơn, Văn hoá Sa Huỳnh... lần đầu tiên được biết đến thông qua những nghiên cứu của các nhà khảo cổ Viện Viễn Đông Bác Cổ. Viện đã xuất bản Thư mục Hán - Nôm quan trọng đầu tiên của E.Gaspardone, công trình nghiên cứu quy mô về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam của L.Cadière, những bản vẽ kiến trúc và các công trình khảo tả tỉ mỉ của L.Bezacier, H.Parmentier. Những trống đồng Việt cổ ghi dấu trình độ cao của nền Văn minh sông Hồng cũng lần đầu tiên được giới thiệu một cách trang trọng trên Tập san Viện Viễn Đông Bác Cổ và trong các công trình nghiên cứu của nhiều học giả tên tuổi...
Các công trình nghiên cứu đã ghi dấu tên tuổi của đội ngũ các nhà khoa học Pháp và Việt Nam, như: Léopold Cadière, Gusta ve Dusnoutier Léoonard Aurousseau, Henri Parmentier, Henri Maspéro, Maurice Durand, Madeleine Colani, Louis Bezacier, Trần Hàn Tấn, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố...
Điều tra, sưu tầm và lưu giữ nguồn tư liệu, hiện vật, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành điều tra, sưu tập có hệ thống. Những hiện vật có nguồn gốc từ khắp mọi nơi được đưa vào lưu giữ tại các Bảo tàng của Viện như: Trống đồng, các bản điêu khắc Chăm - Khơme, các khuôn tượng bán thân của những dân tộc khác nhau cùng với các công cụ nghề dệt, guồng nước, những con thuyền độc mộc, xích tay, đồ trang sức, vũ khí... Thư viện Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng đã sưu tầm và lưu giữ một kho sách đồ sộ. Tính đến năm 1957, số tài liệu và ấn phẩm của Thư viện gồm: Sách chữ Latinh hơn 36.000 cuốn, sách Việt văn trên 1.000 cuốn, sách Hán - Nôm hơn 4.000 cuốn, sách Hán Văn cổ trên 33.000 cuốn, sách Nhật Bản 10.000 cuốn, bản đồ 2.070 tờ; văn bia 22.500 tờ; hương ước (chữ Hán: 4.700 tập, chữ Việt 4.000 tập);... ảnh chụp 70.000 chiếc (5).
Không chỉ phản ánh sự đồ sộ, phong phú về số lượng, kho sách của Viện còn chứa đựng giá trị nội dung thông tin và kiến thức văn hoá, khoa học đặc biệt quý giá. Đó6 là nguồn tư liệu vô giá cho những nghiên cứu về Việt Nam được phát huy qua nhiều thế hệ.
Bảo quản và trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành khảo sát, điều tra, phát hiện, xây dựng hồ sơ, nghiên cứu và giới thiệu nhiều di tích tiêu biểu ở các nước Đông Dương. Hơn 1.200 di tích lịch sử - văn hoá của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã chính thức được công nhận xếp hạng, khôi phục giá trị văn hoá. 401 di tích lịch sử được xếp hạng nằm trên lãnh thổ Việt Nam gồm hầu hết là các công trình kiến trúc như: Đền, miếu, đình, chùa, lăng mộ, thành quách... thuộc văn hóa người Việt; Những di tích đền, tháp, bia, tượng thuộc văn hóa Chăm; những di tích thuộc Văn hóa Phù Nam và Khơme. Những di tích lịch sử của Hà Nội được xếp hạng vào thời gian này gồm: Đền Quán Thánh, đến Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, chùa Lý Quốc Sư, chùa Một Cột, đền Bạch Mã... Bên cạnh đó, Viện Viễn Đông Bác Cổ còn để nghị lên toàn quyền Đông Dương cho thực thi việc trùng tu nhiều di tích lịch sử quan trọng như: Văn miếu Quốc Tử Giám (1918-1920), chùa Một Cột (1922), chùa Bút Tháp và chùa Phật Tích (1930); Đồng thời, củng cố một số tháp Chàm, vẽ ghi hàng trăm di tích Việt và Chăm...
Khi Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), Viện Viễn Đông Bác Cổ không còn điều kiện tiếp tục nghiên cứu ở Việt Nam nên đã chính thức bàn giao lại cho cơ quan chức năng Việt Nam và rút về nước năm 1957. Viện đã tiến hành bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất (gồm thư viện và các bảo tàng) và kho tư liệu, hiện vật trong bộ sưu tập của Viện cho cơ quan chức trách Việt Nam. Và từ đó tới nay, thư viện với kho sách khổng lồ, các bảo tàng với số lượng hiện vật phong phú và các công trình nghiên cứu được dịch ra nhiều thứ tiếng, tái bản nhiều lần... đã được nhiều độc giả và các nhà nghiên cứu thường xuyên lui tới. Năm 1993, khi quan hệ Việt Nam và Pháp có những bước phát triển mới, Văn phòng đại diện của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đã được tái lập tại Hà Nội. Đó là một cơ hội thuận lợi để Viện tiếp tục triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm về Việt Nam.
Trên cơ sở tìm hiểu những nét khái quát về Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1900 - 1957, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, mục đích của chính quyền thực dân khi lập ra Viện Viễn Đông Bác Cổ không gì khác là nhằm tìm hiểu tường tận về dân tộc Việt Nam để từ đó đề ra những chính sách cai trị hiệu quả. Đồng thời, thông qua cơ quan nghiên cứu khoa học này, thực dân Pháp còn có tham vọng khuếch trương ảnh của văn hóa - văn minh Pháp đối với các dân tộc Đông Dương và cuối cùng là để ca ngợi công lao "khai hóa văn minh" của người Pháp đối với các dân tộc thuộc địa. Bản thân toàn quyền P.Doumer - Người đã ký nghị định thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ, cũng không giấu nổi sự tâm đắc khi nói về cơ quan nghiên cứu khoa học này: "Tôi rất tự hào về ngôi trường này, về vị trí của nó trong thế giới khoa học... Cá nhân tôi không bao giờ quên được lời nói của một nhà bác học lỗi lạc của thế kỷ trước - Những lợi ích do khoa học mang lại sẽ ăn sâu vào lòng người hơn bất cứ lợi ích nào khác mà chúng ta đã mang lại cho họ" (6).
Các nhà khoa học Pháp khi cộng tác với chính quyền Pháp dù ít hay nhiều, công tác nghiên cứu của họ là để phục vụ cho mục đích ấy. Có thể nói, mục đích ban đầu của họ không hoàn toàn là mục đích khoa học. Nhưng trong quá trình tìm hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam, tiếp cận với nhiều đối tượng nghiên cứu với thực tế của xã hội ở từng địa phương, họ đã bị hấp dẫn trước một nền văn hóa, văn minh độc đáo và không kém phần tinh tế của dân tộc Việt. Các nhà khoa học Pháp nghiên cứu với một niềm say mê và với mục đích khoa học thực sự nghiêm túc. Kết quả của những hoạt động bền bỉ, nhất quán và có phương pháp của Viện Viễn Đông Bác Cổ đã đưa tới sự ra đời của những công trình nghiên cứu có nhiều giá trị và khối tư liệu đồ sộ về lịch sử, văn hoá và văn minh Việt Nam. Khách quan mà nói, việc làm của các nhà khoa học Viện Viễn Đông Bác Cổ đã vượt ra ngoài ý đổ của thực dân Pháp. Những thành tựu nghiên cứu của họ về lịch sử, văn hóa, văn minh Việt Nam đã để lại những giá trị khoa học quý giá và nhân văn sâu sắc.
Thứ hai, trong công tác nghiên cứu khoa học, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã triển khai những nội dung nghiên cứu với mục đích khoa học rõ ràng cho từng ngành cụ thể: Từ những nghiên cứu về khảo cổ tiền sử ở Việt Nam đến lịch sử dựng nước của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam và những đặc điểm về ngôn ngữ, loại hình cư trú, tín ngưỡng của các dân tộc... Những nội dung nghiên cứu trong hầu hết các lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn cho thấy Viện Viễn Đông Bác Cổ không hề coi nhẹ một khía cạnh nào trong việc nghiên cứu về Việt Nam. Đặc biệt, Viện đã tiếp cận với một hướng nghiên cứu tiến bộ đó là đề tài về làng xã nông thôn truyền thống của người Việt. Đây là một đề tài có ý nghĩa lịch sử và thực tiễn sâu sắc đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội Việt Nam.
Thứ ba, Viện Viễn Đông Bác Cổ ra đời đã đánh dấu bước đột phá trong phương pháp nghiên cứu của các nhà khoa học phương Tây đối với ngành Đông phương học. Việc nghiên cứu các nền văn hoá lớn của phương Đông như Ấn Độ, Trung Quốc trước đó dù dược triển khai khá mạnh mẽ bằng những cuộc tìm kiếm công phu các văn bản chữ Phạn hoặc chữ Trung Quốc cổ nhưng lại được tiến hành trong khuôn khổ các thư viện lớn ở Paris, ngay trên nước Pháp chứ không phải ở châu Á - nơi sản sinh ra các nền văn hoá này. Những nghiên cứu về phương Đông trong giới hạn chật hẹp của các thư viện phương Tây đã tách đối tượng nghiên cứu khỏi thực tế sinh động của chúng, dẫn tới kết quả của các công trình nghiên cứu thiếu sự chân thực, khách quan. Hạn chế này đã gây nên những thiếu sót của nền Đông phương học Tây Âu trong một thời gian dài.
Viện Viễn Đông Bác Cổ ra đời đã đáp ứng đòi hỏi thực tiễn trong nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu các văn bản cổ không thể được tiến hành khi tách rời đối tượng nghiên cứu với bối cảnh con người, địa bàn lịch sử và văn hoá của nó. Các nhà khoa học đã gắn đối tượng nghiên cứu với bối cảnh thực tế, tham gia vào cuộc sống thường nhật của người dân, cùng cộng tác với những người bản địa có tri thức, triển khai và áp dụng các phương pháp thực địa, điền dã, điều tra, khai quật, giám định... nhằm tìm ra những giá trị khoa học thực sự. Viện Viễn Đông Bác Cổ ra đời đã đặt cơ sở cho phương pháp tiếp cận và nghiên cứu mới mẻ về phương Đông.
Thứ tư, trong quá trình hoạt động của Viện Viễn Đông Bác Cổ còn tồn tại những hạn chế. Với vai trò là cơ quan khoa học do chính quyền thực dân lập ra nhằm hỗ trợ cho chính sách cai trị và bóc lột ở thuộc địa nên Viện Viễn Đông Bác Cổ luôn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của thực dân Pháp. Điều này hạn chế ít nhiều đến thiên hướng và khả năng nghiên cứu của các học giả Pháp. Mặt khác, các học giả Pháp do đứng trên lập trường quan điểm thực dân, chịu ảnh hưởng của tư tưởng học thuật như: "Thuyết thiên di", "Chủ nghĩa truyền bá' hay "Trung tâm châu Âu"... nên trong không ít công trình nghiên cứu đã đưa ra những luận điểm đánh giá có tính sai lệch, thiếu khoa học. Trong một thời gian dài, để giải quyết những khó khăn về tài chính, chính quyền thực dân dã cho phép Viện Viễn Đông Bác Cổ bán đi nhiều cổ vật quý hiếm. Do không hạn chế được tình trạng mua bán cổ vật làm thất thoát nhiều cổ vật quý tiêu biểu của nền văn hoá Đông Dương dã khiến cho uy tín của Viện Viễn Đông Bác Cổ bị giảm sút. Song, hoạt động của Viện Viễn Đông Bác Cổ đã thu được nhiều thành tựu nghiên cứu có ý nghĩa lớn lao trên hầu hết các lĩnh vực: Khảo cổ học, Dân tộc học, Lịch sử, Ngôn ngữ học, Văn học, Văn hóa dân gian... Trong đó, những phát hiện về Khảo cổ học là thành công tiêu biểu của các nhà khoa học Viện Viễn Đông Bác Cổ.
LƯU THỊ PHƯƠNG LOAN*
CHÚ THÍCH
* Th.S. Trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
(1). Philippe Papin. Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp với việc nghiên cứu Việt Nam. Tạp chí Xưa và Nay, số 45, tháng 11-1997, tr. 7.
(2). Trần Duy. EFEO - Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Hà Nội, 2003, tr. 4-5.
(3). Dẫn theo Nguyễn Văn Trường. Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Viễn Đông Bác cổ. Tạp chí Xưa và Nay, số 78B (8-2000), tr. 35.
(4). Dẫn theo Nguyễn Văn Trường. Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Viễn Đông Bác cổ. Tạp chí Xưa và Nay, số 78B (8-2000), tr. 35.
(5). Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. 90 năm nghiên cứu về văn hoá và lịch sử Việt Nam, Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 119.
(6). Trần Duy. EFEO - Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, sđd, tr. 6.
“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” là một thư tịch chính thống khẳng định cương vực quốc gia, tỏ rõ ý thức độc lập của dân tộc Việt Nam tự cường đầu thế kỷ XIX.
Việt Nam có 54 thành phần dân tộc. Trải qua bao thế kỷ, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã gắn bó, đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ bờ cõi, giành độc lập tự do và xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Ngày nay, ngày càng có nhiều người đi du lịch, khi lựa chọn địa điểm du lịch chúng ta phải hết sức cẩn thận, đâu là những địa điểm đẹp nhất thế giới? Danh sách 1,2,3 sau đây mang đến bảng xếp hạng 10 địa điểm du lịch đẹp nhất thế giới.