Nằm cách thủ đô Bangkok 76km về phía bắc, thành phố lịch sử Ayutthaya trải dài trên một diện tích rộng lớn tới hơn 289ha. Đây thật sự là một thành phố vĩ đại và là một trong những di tích lịch sử có sức hấp dẫn số 1 ở Thái Lan. Đồng thời thành phố lịch sử Ayutthaya còn là một trong những di sản văn hóa có sức hấp dẫn nhất ở Thái Lan bởi vẻ huy hoàng của bốn thế kỷ lịch sử còn lưu lại qua hàng trăm công trình kiến trúc, chủ yếu được xây bằng gạch nung đỏ au.
Ayutthaya được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 12 năm 1991. Vẻ huy hoàng của thành phố cổ được phản chiếu qua nhiều công trình kiến trúc và tàn tích nguy nga lộng lẫy, phần lớn các kiến trúc này được xây bằng gạch đỏ trần, nằm khắp nơi trên một vùng đất được bao quanh bởi ba dòng sông Chao Praya, Mae Nam Lop Buri và Pa Sak. Có lẽ vì vậy Ayutthaya được lưu dấu trong ký ức nhiều khách du lịch như là một ốc đảo của những chùa chiền bên sông.
Lịch sử Thái Lan được chia ra thành các giai đoạn: Sukhothai (1238-1438), Ayutthaya - hấp thụ những tinh hoa của nền văn hóa Sukhothai và phát triển mạnh mẽ trong lịch sử hơn 400 năm từ 1350-1767, Thon Bori (1767-1782) và Rattanakosin (1782 đến nay). Thành phố cổ Ayutthaya hay còn gọi là Pra Nakhon Si Ayutthaya từng là kinh đô của Thái Lan trong 417 năm.
Thành cổ được xây dựng từ năm 1350 bởi vua U-thong, bị quân Burma chiếm đóng và tàn phá vào năm 1767, kết thúc thời kỳ Ayutthaya. Có 33 đời vua thay nhau trị vì vương triều và xây dựng Ayutthaya thành thủ đô rực rỡ trong quá khứ. Ở Ayutthaya đã từng có một nền nông nghiệp rất phát triển và những mối quan hệ giao thương thịnh vượng với các quốc gia phương Đông và phương Tây.
Trong suốt thời kỳ, vương triều luôn phải chống lại sự xâm lược từ những quốc gia láng giềng, đặc biệt là Burma. Năm 1758, đất nước bị xáo trộn bởi một cuộc ganh đua tranh giành ngai vàng trong hoàng gia, dẫn đến kết quả thất bại thảm hại trong cuộc chiến với người Burma năm 1767. Quân đội Burma khi xâm lược thủ đô đã ra lệnh đốt cháy và phá hủy nhiều công trình kiến trúc hoành tráng và lộng lẫy của vương triều Ayutthaya. Những tàn tích còn sót lại tại thành cổ đã tạo thành công viên lịch sử Ayutthaya ngày nay.
Quần thể di tích khá đa dạng, còn tương đối nguyên vẹn như tu viện Wat Phra Chao Phya-thai nằm ở phía đông nam của cổ thành. Từ trong thành phố có thể nhìn thấy ngôi tháp lớn của tu viện được xây dựng vào năm 1357 dành cho các vị sư đi học đạo từ Sri Lanka trở về. Năm 1592, một ngôi chùa lớn được xây dựng tại đây với ý tưởng kiến trúc khổng lồ này sẽ tương xứng với ngôi chùa lớn của Wat Pukhao Thong (được xây dựng vào thời đại Sukhothai trước đó). Tổ hợp kiến trúc Wat Yai Chaimongkhon gồm tu viện, mộ tháp và chùa chiền, trong đó có ngôi mộ tháp lớn nhất và hai tượng Phật khổng lồ bên gốc cây hoa đại hàng trăm năm tuổi.
Trong khu di tích có nhiều nhóm đền tháp, mỗi nhóm biểu trưng cho một tiểu vũ trụ có ngọn núi thiêng ở trung tâm là "trục xuyên vũ trụ", những bức tường tượng trưng giới hạn vũ trụ và đại dương vô cùng vô tận... Ngôi tháp lớn nhất trong quần thể di tích cao tới 35m, bốn phía đều có bậc cầu thang dốc đứng dẫn lên đỉnh. Từ hành lang chạy quanh ngôi mộ tháp lớn nhất sẽ quan sát được khoảng không gian rộng lớn chan hòa ánh nắng tới tận chân trời và toàn bộ thành cổ. Tám ngôi tháp nhỏ hơn nằm ở bốn góc hình vuông và bốn góc hình tứ giác được nối với nhau bằng các trường lang dài, dọc các trường lang là 120 bức tượng Phật với tư thế và dáng điệu trầm mặc. Hầu hết các pho tượng bằng đá sa thạch đều bị mất đầu do sự phá hủy trong thời kỳ chiến tranh với Mianmar vào giữa thế kỷ XVIII. Ngắm nhìn và ghé chân chụp hình bên những bức tượng này là khoảnh khắc rất ấn tượng, lưu lại cảm xúc khó phai mờ cho nhiều du khách.
Kinh đô Ayutthaya còn là "thành phố của những phế tích" bởi hàng trăm bức tường, ngọn tháp, ngôi đền sụp đổ chỉ còn một phần hay bị phá hủy hết chỉ còn nền móng... tất cả đều được bảo tồn cẩn trọng. Một số kiến trúc có phần trùng tu bằng vật liệu mới nhưng không hề gây ra sự phản cảm vì được phục chế lại kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ. Một số đền tháp khác được phục dựng gần như toàn bộ, kể cả những bức tượng Phật khổng lồ. Nhưng tất cả đều hài hòa một cách kỳ lạ với nhau và với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Được biết công tác trùng tu ở đây tiến hành hàng chục năm qua, nhiều thế hệ các nhà khoa học đã kiên nhẫn tìm lại từng chút một những gì thời gian đã lấy mất.
Ayutthaya còn được coi là một Công viên di sản văn hóa bởi khắp nơi màu xanh của cây cổ thụ và thảm cỏ mượt mà xen giữa những phế tích kiến trúc, không khí trong lành, yên tĩnh, từ đường phố đến khu di tích rất sạch sẽ. Ayutthaya cũng được mệnh danh là một ốc đảo của những chùa chiền bên dòng sông Chaophraya.
Ngày nay, thành phố lịch sử Ayutthaya là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch vào bậc nhất ở Thái Lan, người ta đến đây không chỉ là đến thăm quan một di sản văn hóa mà còn để tìm đến Phật giáo, sợi dây kết nối hiện tại và quá khứ, và để tìm lại những bình yên , tĩnh lặng trong tâm hồn.
Sông Negro và Amazon hợp lưu trong đoạn 6 km, màu nước của chúng không hòa lẫn vào nhau và tạo thành hai mảng màu riêng biệt.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một địa điểm thiêng liêng nổi tiếng và ý nghĩa đối với người dân Việt Nam. Nơi này không chỉ có giá trị địa lý, văn hóa và du lịch sinh thái, mà còn là nơi mà bạn có thể chạm tay vào biểu tượng quốc gia đầy tự hào. Khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn
Làng xã - đơn vị cơ sở nền tảng kinh tế - xã hội - văn hóa thời Trần đã từng được nghiên cứu trực tiếp hoặc gián tiếp dưới nhiều góc độ và vấn đề liên quan khác nhau, chẳng hạn như: Làng xã trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên của Phùng Văn Cường. Mỹ thuật làng xã thời Trần của Chu Quang Chứ trong Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, 1977, tập I; Chế độ quân chủ quý tộc đời Trần của Nguyễn Hồng Phong, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4-1986; hoặc Chế độ đất công làng xã, trong Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, tập I của Trương Hữu Quýnh năm 1982. Thái ấp - điền trang thời Trần (thế kỷ XIII- XIV) của Nguyễn Thị Phương Chi, xuất bản năm 2002... Nhìn chung, những công trình trên đã đưa ra cách nhìn nhận khác nhau và cung cấp thông tin hữu ích giúp hiểu biết nhiều hơn mặt này hay mặt khác về làng xã thời Trần.